cong-nghe-thang-may

4 Công nghệ thang máy hiện nay

Nội dung

Bắt đua với nền kinh tế thị trường, ngành thang máy tại Việt Nam cũng đang rất sôi động với những dòng thang máy với các công nghệ tân tiến khác nhau. Đôi khi, chính sự sôi động ấy khiến người tiêu dùng ít nhiều hoang mang không biết nên lựa chọn như thế nào. Như một bức tranh tổng quan về những công nghệ thang máy nổi bật trên thị trường giúp người mua thang máy tường minh hơn, bài viết này sẽ cung cấp thông tin về bốn loại công nghệ truyền động phổ biến trên thị trường hiện nay. 

1. Thang máy công nghệ cáp kéo

Cabin thang máy di chuyển lên xuống nhờ các sợi cáp kéo thông qua máy kéo đặt trên đỉnh giếng thang (gọi là loại thang có phòng máy), loại trong lòng giếng thang (gọi là loại thang không có phòng máy).

Ưu điểm: Loại thang máy này có tốc độ cao (từ 45m/phút).  Giá cả, chi phí đầu tư từ thấp đến vừa phải với các sự lựa chọn phong phú và đa dạng. Các tòa nhà công cộng chủ yếu là được xây dựng loại thang này.

Nhược điểm: Cần đào sâu đáy hố (hay còn gọi là hố PIT). Thông thường với thang máy có tốc độ 1m/s thì hố PIT có độ sâu theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay tối thiểu là 1,2m và có đỉnh giếng thang tối thiểu là 3,9m. Đồng thời hố thang phải rộng để đủ chỗ cho cabin, đối trọng, ray cabin, ray đối trọng và các khe hở theo tiêu chuẩn an toàn. 

Thông thường thang máy có tải trọng 450kg, tốc độ thang máy 1m/s thì kích thước thông thường để lắp thang máy là 1,6m x 1,6m hoặc 1,8m x 1,45m.  Hiện nay nhờ cải tiến và sự cố gắng của các nhà sản xuất nên rất có thể hố PIT chỉ từ 0,3m đến 0,5m nhưng đáy giếng thang chỉ cần cao từ 2,9m (không phải xây phòng máy phía trên).

Kích thước để lắp thang máy thông thường là 1,35m x 1,35m, nhưng kích thước này thì tốc độ di chuyển thấp (khoảng 0,4m/s) và chiều cao hành trình hạn chế (13m tương đương với 3 – 4 tầng).

2. Thang máy công nghệ chân không

Thang máy kiểu này có một ống và phía trên có hệ thống quạt hút để tạo chênh áp suất điều khiển cabin chuyển động lên xuống.

Ưu điểm: Tròn, vách kết trong suốt, đẹp.

Nhược điểm: Tải trọng rất thấp (khoảng 110kg đến 240kg), tốc độ thấp và đặc biệt rất thấp, hành trình cũng rất hạn chế. Do vậy, loại này không phổ biến.

3. Thang máy công nghệ trục vít

Đây là loại thang máy có cabin thang lên xuống nhờ một mô-tơ gắn vào sàn nâng, cabin lên xuống bám vào một trục vít thẳng đứng.

Ưu điểm: 

– Thiết kế gọn, đẹp mắt

– Sử dụng các mặt kính trong suốt

– Không cần hố PIT, hố PIT chỉ cần 10 đến 15cm và tầng trên cùng chỉ cần tối thiểu 2,5m. Do vậy, những nhà ở cải tạo hoặc không đào hố sử dụng loại này rất hiệu quả.

Nhược điểm: 

– Tốc độ di chuyển chậm, khoảng 0,15m/s.

Do hệ thống mô tơ chuyển động nên độ ồn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người (thường khoảng 70dB tương đương với một máy hút bụi). Các nhà sản xuất đã cố gắng cải tiến để chống ồn, nhưng trong quá trình sử dụng, sự hao mòn trong hệ thống bánh răng, trục vít sẽ khiến tiếng ồn ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thang máy trục vít cho các công trình công cộng thì độ ồn không đáng ngại.

Vì toàn bộ cabin được gắn vào duy nhất một trục (gọi là trục vít) để cabin chuyển động lên xuống bám theo trục, càng lên cao, sẽ có nguy cơ cabin bị rơi khỏi đế, tạo nên hiện tượng rung, lắc. Do đó, thang máy trục vít thường được dùng cho các nhà có chiều cao ít hơn 3 tầng và có bố trí khu vực bên ngoài nhà để cách âm thì phù hợp.

4. Thang máy công nghệ thủy lực 

Trong các loại công nghệ thang máy thì đây là loại có cabin chuyển động lên xuống nhờ hệ thống bơm thủy lực.

Ưu điểm:

Hố PIT chỉ còn từ 10 đến 15cm, chiều cao tầng trên cùng cũng chỉ cần tối thiểu 2,5m. Do vậy, loại thang máy này cũng rất hữu hiệu cho các nhà cải tạo và những nhà không thể đào hố PIT hay hạn chế chiều cao.

Có thể nói đây là sự tích hợp được những điểm mạnh và khắc phục được những điểm yếu giữa công nghệ cáp kéo với công nghệ trục vít vì: 

– Tốc độ của thang máy thủy lực tương đối cao từ 0,3m/s đến 0,6m/s

– Độ ồn chỉ khoảng 40dB

– Hành trình lên đến 27m, tương đương chiều cao tòa nhà 7 tầng

Nhược điểm:

– Chi phí đầu tư ban đầu cao hơn loại cáp kéo

Trên đây là tóm tắt cơ bản để bạn hiểu hơn trong quá trình mua sắm thang máy cho ngôi nhà của mình. Có thể bạn hỏi loại thang máy nào ưu việt và an toàn hơn, thì câu trả lời là tất cả các loại thang máy được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn và có thương hiệu đều an toàn: Nippon, Mitsubishi,… (chủ yếu công nghệ cáp kéo); Domuslift, Lotuslift,… (công nghệ thủy lực); Apes, Aritco, Cibes,… (công nghệ trục vít).

Vấn đề là ngôi nhà của bạn phù hợp với giải pháp nào dựa trên thiết kế, nhu cầu, mục đích sử dụng,… Phục vụ cho công việc thì sẽ dùng cáp kéo tần suất đi lại nhiều; cho tư gia hạn chế đào bới thì dùng thang máy thủy lực.

Ngoài các chức năng an toàn theo tiêu chuẩn hiện nay thì mới đây nhất, hệ thống an toàn cao cấp, hiện đại đã ra đời, giúp an toàn tuyệt đối cho người dùng, đặc biệt gia đình có người già và trẻ em, đó là SRS – hệ thống người dùng tự cứu hộ không cần trợ giúp từ bên ngoài, hay Emcall – hệ thống gọi khẩn cấp đến 5 số điện thoại cứu trợ và người thân đã thiết lập sẵn. Nếu phải lựa giữa các loại thang máy, bạn nên yêu cầu cung cấp thêm hai hệ thống này để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, trong mọi tình huống.

Nguồn: Tạp chí thang máy

Đánh giá